Chuyện làm công nhân

Hồi mình còn bé, bố dẫn mình đi "tham quan" xưởng Gang Thép - nơi làm việc của bố. Đó là một trong những "trải nghiệm" rất khó quên của mình. Vì từ trước đến giờ, mình chỉ biết bố mình làm công nhân, sau là kỹ sư điện. Mình không hình dung được công việc ấy của bố là như thế nào. 
Bố đưa mình đến xưởng vào mùa hè, khoảng 2 giờ chiều, khói nóng bốc ra từ những nhà máy sản xuất như thiêu như đốt, mình có cảm giác khó chịu và bức bối kinh khủng. Các cô chú ai nhìn thấy mình cũng cười thật tươi, trên mặt còn nguyên vết lấm lem và lớp bụi than mờ. Chỗ nghỉ ngơi của bố và các cô chú chỉ là mấy cái giường đơn kê tạm, đơn sơ, đủ để ngả lưng đôi phút... Mình nhớ có cô bảo: "Đấy bố dẫn con gái đến xem để cố mà học con nhé, lớn lên đừng làm công nhân vất vả lắm." Ngày xưa có một câu bố mình luôn bảo: "Đời bố đã làm công nhân, bố không bao giờ muốn các con phải làm công nhân như bố." 

Để "cãi lại" lời bố, mùa đông năm 2022, mình đi làm công nhân. Mình đùa thế thôi, chứ mục đích của việc đó là: mình quá rảnh rỗi sau cả năm nghỉ vì COVID và mình rất tò mò về công việc ấy. Quê mình ở Thái Nguyên, nơi có nhiều nhất máy làm linh kiện điện tử cho Samsung, rồi đủ các công ty khác. Thế là mình nhanh chóng xin được một công việc. 

Công việc hàng ngày của mình là: cầm cái mặt lưng của điện thoại lên - soi dưới ánh đèn xem có bị bể, bị xước camera hay không - phân loại chúng - sửa các lỗi nếu có - xếp hàng vào khay. Và... lặp lại liên tục. Một công việc tay chân đơn giản và... nhàm chán. Mỗi ngày mình đứng trung bình từ 8-10 tiếng. Trừ 30 phút nghỉ ăn cơm, 30 phút nghỉ trưa. Và cứ sau 4 tiếng thì được nghỉ khoảng 10 phút. Mình làm được 1 tháng rưỡi gì đó, mà trong suốt thời gian ấy ngày nào chân mình cũng tê nhức, cho đến ngày cuối cùng mình xin nghỉ làm thì chân mình vẫn vẹn nguyên một cảm giác khó tả như ngày đầu. Hồi đó sau mỗi ngày đi làm về, mình đều vật vờ như một người mất hồn, chỉ kịp ngủ và ngủ. Có khi còn không dậy được để ăn cơm trưa hoặc cơm tối. Tỉnh dậy thì cũng chỉ kịp tắm rửa, nghỉ ngơi thêm một chút rồi đi làm. Hồi đó mình không làm được thêm bất cứ việc gì "có ích" trừ việc đi làm. Và mình thấy là: trời, mình sống như một cỗ máy vậy. 

Ngoài chuyện công việc ấy thật nhàm chán, thì không khí của những xưởng sản xuất - nơi có hàng ngàn người vào ra mỗi ngày cũng thật... khủng khiếp. Giờ cơm, nhiều khi thấy mọi người chạy xô ra để xếp hàng đi ăn, rồi lại vội vàng vào để tranh thủ một giấc nghỉ trưa, mình thấy khó tả lắm. Hoá ra cuộc sống của họ tất bật và hối hả vậy. Có những cô đã lớn tuổi hơn mình rất nhiều, vẫn đang phải đứng làm liên tục như thế mỗi ngày. Mình không biết sức khoẻ có cho phép họ làm vậy không, nhưng họ không có sự lựa chọn. Có những em thì nhỏ tuổi hơn mình nhiều. 17 tuổi, em ấy lấy chồng, sinh một đứa con. Con còn bé xíu đỏ hỏn thì hai bố mẹ đã phải đi làm. Có em 19 tuổi, đang mang bầu, vừa làm vừa choáng váng vì không đứng được nữa. Có em 20 tuổi, đi làm về nhà còn chăm con, dọn dẹp, nấu cơm, làm ruộng,... Lúc gặp các em ấy, mình thấy bản thân như một đứa trẻ con. Mình không thể và cũng chưa bao giờ phải đảm nhiệm nhiều công việc và vai trò như thế.

Giây phút khiến mình chán ngán nhất là khi xếp hàng ra về. Dãy hàng dài vô tận, những cái thúc vai, chạm lưng vừa vô tình vừa cố ý. Mùi của khu nhà vệ sinh bốc lên nồng nặc, chen lẫn với mùi cơ thể của hàng trăm ngàn người. Những gương mặt rệu rạ, hoặc những tiếng cười lớn quá mức, hàm răng vàng hôi hám, những cử chỉ thừa thãi và đầy khó chịu,... Tất cả, đều khiến mình cảm thấy muốn thoát ra kinh khủng. Trải nghiệm ấy dạy mình nhiều thứ về cuộc đời, như là chuyện:

- Hoàn cảnh sống tước đi của mỗi người rất nhiều sự lựa chọn. Đôi khi, không phải do họ kém cỏi hay nỗ lực chưa đủ, mà chỉ là vì họ đã không được tạo điều kiện ngay từ đầu, và những gì họ chọn, có thể là những gì tốt nhất họ có thể chọn rồi.

- Mình nhận ra rằng cơ thể mình cũng yếu đuối và kiệt sức luôn luôn, nếu mình để bản thân vào trong những giai đoạn phải phơi nhiễm sức bền liên tục. Mình không thể theo kịp tiến độ ấy và mình cần nghỉ ngơi cũng như tăng cường sức khỏe nữa.

- Mình nhận ra rằng có hàng triệu người đang phải làm một công việc hết sức nhàm chán, ăn những bữa ăn hết sức đạm bạc, sống trong những hoàn cảnh hết sức khó chịu. Mình không biết họ có thể "quen" với những điều ấy không, nhưng mình biết, những điều ấy đủ sức để bào mòn một con người - cả về thể chất lẫn tinh thần.

- Mình nhận ra bố mẹ mình đã từng vất vả bao nhiêu, thậm chí vất vả hơn mình rất nhiều; và mình thông cảm được cho những giờ phút mà bố mẹ mệt mỏi, căng thẳng hoặc kiệt sức.

- Mình nhận ra rằng mình may mắn, và chỉ đơn giản là may mắn thôi. Khi mình được sinh ra trong hoàn cảnh tốt hơn một chút, mình được đi học, được bao bọc suốt một thời gian dài nhờ tình yêu và công sức của bố mẹ, gia đình mình.

Mỗi người - một chỗ ngồi. Có thể bánh xe của vận mệnh đã đặt chúng ta vào những vị trí được ngầm định sẵn, hoặc chỉ di chuyển được rất nhỏ trên vận mệnh ấy. "Con quan thì lại làm quan, con sãi ở chùa thì quét lá đa." Với những người ít sự lựa chọn, thì họ không thể chọn những điều tốt hơn hay tốt nhất cho cuộc đời họ được. Đơn giản là không thể, vậy thôi. 
Nhưng mình cũng tin là, dù chúng ta ở đâu, làm gì thì chúng ta cũng là những cá thể độc lập đang ngày ngày đóng góp cho đô thị này, nuôi sống bản thân và những cá thể trên hành tinh này. Dù là sự đóng góp có nhỏ bé đến thế nào thì cũng là một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi vận hành khổng lồ ấy. Và chúng ta trở nên thật quan trọng như nhau.



Comments